Tham luận Hội thảo: LIÊN KẾT VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỊA PHƯƠNG, QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ

Tham luận Hội thảo

LIÊN KẾT VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỊA PHƯƠNG, QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ

Chuyên đề: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc Thái ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

                                                             Th.S. Vũ Thị Hà – GV Khoa Văn hóa Du lịch –  Trường CĐ VHNT & DL Yên Bái

Du lịch Việt Nam đã có được sự phát triển đáng khích lệ trong những năm gần đây và đang giữ vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên phát triển nhanh và phát triển du lịch đại chúng trong thời gian ngắn cũng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng như tổn hại đến nguồn tài nguyên tự nhiên, ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng không tốt đến văn hóa bản địa. Trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cũng xác định quan điểm “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội” bên cạnh quan điểm “phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc”. Theo đó, phát triển du lịch cộng đồng đang ngày càng tỏ ra có hiệu quả và đáp ứng tối ưu quan điểm phát triển trên.

  1. Đặt vấn đề

            Với mục tiêu chính là tăng thêm thu nhập cho cộng đồng, bảo tồn và phát triển các tài nguyên tự nhiên, văn hóa của địa phương, tăng cường năng lực và tăng thêm quyền cho cộng đồng địa phương, phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở kinh doanh du lịch, tạo sự hiểu biết giữa dân cư địa phương và khách du lịch, du lịch cộng đồng đang ngày càng khẳng định vai trò của mình.

Tham gia chương trình du lịch cộng đồng, du khách có cơ hội tham quan, tìm hiểu tập quán canh tác, tập tục sinh hoạt của người dân địa phương, khám phá các nét văn hóa truyền thống đặc sắc của mỗi vùng miền. Đặc biệt là các vùng chưa có sự tác động quá lớn của nền kinh tế thị trường, những vùng có người dân nghèo, các dân tộc thiểu số đang sinh sống. .

Yên Bái là tỉnh thuộc vùng du lịch Trung du, miền núi Bắc Bộ với diện tích 68.880 ha, dân số 752.922 người (năm 2010). Yên Bái có 9 đơn vị hành chính (1 thành phố, 1thị xã, 7 huyện), với 180 xã, phường, thị trấn trong đó có 70 xã vùng cao và 62 xã đặc biệt khó khăn. Thị xã Nghĩa Lộ là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Thái mà ở đó gần như vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của cộng đồng.

Cộng đồng người Thái thị xã Nghĩa Lộ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông – lâm nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, của quá trình đô thị hóa nên đồng bào Thái với rất nhiều nét văn hóa truyền thống đã bị biến đổi, mai một dần, nhiều phong tục gần như mất hẳn. Phát triển du lịch cộng đồng là một hướng phát triển mới tạo ra sinh kế cho người dân địa phương vừa góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, vừa góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa.

  1. Tổng quan về du lịch cộng đồng

Do có những quan điểm nghiên cứu, góc nhìn khác nhau về vị trí của du lịch cộng đồng mà cho đến nay vẫn còn tồn tại khá nhiều ý kiến về vấn đề này. Đã có nhiều khái niệm về du lịch cộng đồng được đưa ra bởi các nhà nghiên cứu. Những khái niệm này được sử dụng khá linh hoạt và được thay đổi tùy thuộc vào tác giả, địa điểm và các công trình nghiên cứu cụ thể, song các vấn đề về bền vững và cộng đồng địa phương là những nội dung chính được xem xét, đề cập [6; tr. 17].

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mang lại cho du khách những trải nghiệm về bản sắc cộng đồng địa phương, trong đó cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, được hưởng lợi ích kinh tế – xã hội từ hoạt động du lịch và có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường, bản sắc văn hóa cộng đồng” [6; tr. 18]

Như vậy có thể hiểu, du lịch cộng đồng là phương thức phát triển du lịch bền vững mà ở đó cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp và chủ yếu vào các giai đoạn phát triển và mọi hoạt động du lịch. Cộng đồng nhận được sự hợp tác hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; của chính quyền địa phương cũng như chính phủ và nhận được phần lớn lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch nhằm phát triển cộng đồng, bảo tồn văn hóa bản địa, khai thác tài nguyên môi trường du lịch bền vững.

  1. Mối quan hệ giữa phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn văn hóa

            Muốn phát triển loại hình du lịch cộng đồng cần phải có những cơ sở nhất định được coi là tiền đề. Một trong những tiền đề quyết định đó chính là văn hóa. Sự tồn tại lâu bền của các di sản văn hóa chính là yếu tố quyết định cho sự phát triển không ngừng của du lịch cộng đồng. Các di sản văn hóa chính là tài sản của cộng đồng, nó được cộng đồng tạo dựng và gìn giữ, trao truyền liên tục cho các thế hệ kế tiếp. Nó được xem như là vốn đầu tư cơ bản cho du lịch cộng đồng phát triển.

Ngược lại, phát triển du lịch cộng đồng là một trong những biện pháp cơ bản, hữu hiệu giúp cho công tác bảo tồn văn hóa đạt hiệu quả cao. Du lịch cộng đồng góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh của địa phương thông qua sự trải nghiệm của du khách và ấn tượng của họ về văn hóa địa phương. Hoạt động du lịch cộng đồng biến các di sản văn hóa bản địa thành hàng hóa, phát triển các giá trị của văn hóa theo hướng tích cực, nâng các giá trị văn hóa lên một tầm cao mới không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần mà còn nâng cao đời sống vật chất cho cộng đồng địa phương.

  1. Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

            Là một địa phương thuộc phía Tây của tỉnh Yên Bái, Tây Bắc Việt Nam có rất nhiều điều kiên thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng có hiệu quả nhằm phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của địa phương.

Thứ nhất, là địa phương nằm trọn trong thung lũng lòng chảo Mường Lò, cánh đồng lớn thứ hai thuộc vùng Tây Bắc. Có cảnh quan đẹp và trù phú với cánh đồng trải rộng được bao bọc bởi các dãy núi cao.

Thứ hai, là địa bàn cư trú cổ xưa của tộc người Thái đen, nơi vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống“nguyên Thái” rất độc đáo và đặc sắc. Đó là các diều kiện về tài nguyên du lịch nhân văn không thể thiếu cho phát triển du lịch cộng đồng.

Văn hóa đặc trưng của người Thái đen còn lưu giữ được nhiều nét truyền thống đặc trưng như:

– Nhà ở của người Thái Đen cũng giống một số dân tộc khác trong nhóm ngôn ngữ Tày – Thái là nhà sàn. Nhưng đó là loại nhà sàn truyền thống của người Thái Đen được làm theo nguyên tắc ít biến đổi. Nhà có mái lợp bằng gianh hoặc ván thông, khum hình mai rùa, hai đỉnh đầu hồi mái nhà có “khau cút”. Nhà có hai cầu thang ở hai đầu nhà, một có bảy bậc chỉ dành riêng cho nam giới đi, một có chín bậc dành cho nữ giới đi. Sự bố trí không gian trong nhà được quy định chặt chẽ theo luật tục, tín ngưỡng riêng của đồng bào.

– Trang phục, trang sức của đồng bào ít có sự biến đổi, tuy nhiên chất liệu có phong phú và đa dạng hơn xưa. Đến Nghĩa Lộ chúng ta sẽ bắt gặp những cô gái Thái xúng xính trong bộ váy đen, áo cỏm, khăn piêu đã tạo nên nét riêng của đồng bào miền núi rừng phía Tây của Yên Bái.

– Ẩm thực của đồng bào không cầu kỳ nhưng hấp dẫn bởi hương vị của núi rừng, của tự nhiên như rau xôi, cá nướng, rêu đá vùi tro,…

– Bản làng là nơi cư trú của một tổ hợp dân cư gồm có hai loại, bản nhỏ có khoảng 15 – 20 nóc nhà; bản lớn có trên 40 nóc nhà.

– Vốn văn nghệ dân gian của người Thái cũng rất đa màu, đa dạng. Dân ca được thể hiện bằng các điệu “Khắp”, “Then” trong các hội xuân, trong các câu hát gọi bạn tình, trong đám cưới. Họ thích tham gia sinh hoạt cộng động, sẵn sàng tham gia vào các đêm “Hạn Khuống” (Hát giao duyên trên sàn), “xé vòng” (Hội xòe), “Khắp bát xao” (Hát giao duyên)…Bên cạnh đó người Thái vẫn bảo tồn và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống trong sinh hoạt văn nghệ như khèn bè, pí…

– Nghề và làng nghề truyền thống vẫn được bảo lưu và truyền dạy như nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm.

– Rất nhiều lễ hội truyền thống còn được bảo lưu đến ngày nay và đang được phát huy, tổ chức thường xuyên như: Lễ hội Rằm tháng giêng, Tết Xíp xí, Xên Bản, Xên Mường, sinh hoạt Hạn khuống,…

Thứ ba, là địa bàn được nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Yên Bái, có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, đào tào nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

Thứ tư, cộng đồng địa phương sẵn sàng và tự nguyện tham gia các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng, các công ty du lịch sẵn sàng liên kết với người dân địa phương và khách du lịch sẵn sàng tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, là một điểm du lịch mới phát triển nên Nghĩa Lộ còn gặp rất nhiều khó khăn.  Tài nguyên du lịch tự nhiên của địa phương rất nghèo nàn và suy kiệt, diện tích rừng tự nhiên hoàn toàn biến mất do khai thác quá mức. Diện tích rừng tái sinh chưa nhiều, hệ động thực vật không phong phú, đa dạng. Tài nguyên nước cũng bị ô nhiễm và lưu lượng nước trên sông, suối biến đổi thất thường, lúc khô cạn, lúc thì lũ quyét gây ảnh hưởng lớn tới môi trường. Tài nguyên du lịch nhân văn đang dần mai một do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, tuy có được khôi phục trong thời gian gần đây nhưng hiệu quả chưa cao. Cộng đồng địa phương còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

  1. Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ

            Tuy số lượng khách đến với Nghĩa Lộ ngày càng tăng nhưng đến năm 2013 mới đạt khoảng 20 nghìn lượt khách, đây vẫn còn là con số khiêm tốn so với các vùng khác. Số lượng khách lưu trú có tăng trong những năm vừa qua song khách đến lưu trú trong thời gian rất ngắn, chủ yếu là nghỉ lại một đêm. Có đoàn khách đến chỉ đơn thuần là ngủ đêm, có đoàn khách thì sử dụng dịch vụ ăn tối tại nhà, xem biểu diễn văn nghệ (rất ít). Với thời gian lưu lại ngắn nên khách du lịch không, ít sử dụng các dịch vụ khác tại cộng đồng nên chi tiêu của khách du lịch tại cộng đồng còn rất khiêm tốn. Mặc dù vậy, hiệu quả kinh tế mà loại hình du lịch cộng đồng mang lại cho bà con là không thể phủ nhận.

Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch cộng đồng còn khá khiêm tốn. Cả thị xã mới có hai khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, hai khách sạn đạt tiêu chuẩn chất lượng và gần chục nhà nghỉ. Số lượng nhà dân làm du lịch cộng đồng cũng chưa nhiều, cả thị xã hiện nay chỉ có khoảng 15 nhà đã sửa sang nhà cửa cho khách lưu trú, nhưng điều đặc biệt là không có nhà nào còn lưu giữ được nếp nhà truyền thống đúng với bản sắc văn hóa của cộng đồng.

Từ năm 2006, chính quyền thị xã Nghĩa Lộ đã có đề án phát triển du lịch cộng đồng và đã phục dựng lại 3 nếp nhà sàn truyền thống của người Thái tại xã Nghĩa An để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, với ba nhà sàn này có thể đáp ứng được chỗ nghỉ cho 3 đoàn khách. Nếu là khách nước ngoài mỗi đoàn từ 14 người trở xuống. Nếu là khách nội địa mỗi đoàn có thể lên đến 20 khách. Ba ngôi nhà sàn này do UBND thị xã quản lý và giao cho một hộ gia đình đứng ra kinh doanh. Nên ngoài dịch vụ lưu trú ra còn phục vụ cả ăn uống, biểu diễn văn nghệ, phục dựng làng nghề dệt thổ cẩm ngay dưới gầm sàn.

Dịch vụ du lịch còn thiếu và yếu. Sản phẩm du lịch nghèo nàn và đơn điệu. Nhận thức của cộng đồng về du lịch còn rất hạn chế. Năng lực của cộng đồng trong hoạt động kinh doanh du lịch chưa cao. Kỹ năng nghề còn yếu, chưa có trình độ ngoại ngữ dẫn đến khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh. Nguồn nhân lực chủ yếu được tập huấn qua các lớp ngắn hạn nên chất lượng chưa cao.

Hoạt động quảng bá, xúc tiến chưa được thực hiện có hiệu quả.

Hiện tại, trong các cấp quản lý tại thị xã Nghĩa Lộ chưa hề có phòng ban nào có nhiệm vụ, chức năng quản lý, chỉ đạo, giám sát các hoạt động phát triển của ngành du lịch, dẫn đến tình trạng phát triển một cách tự phát không theo quy hoạch, mạnh ai nấy lo, phát triển manh mún, không có chất lượng, không đạt hiệu quả bảo tồn văn hóa mà ngược lại còn làm tổn hại, biến dạng nền văn hóa bản địa.

  1. Một số giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ nhằm bảo tồn văn hóa của người Thái đen

            – Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp: Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch có sự khác biệt lớn so với các loại hình du lịch khác vì có sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các hoạt động du lịch. Khách du lịch được cùng ăn – cùng ở – cùng sinh hoạt với người dân, được trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực của cộng đồng. Nó có thể gây ra tác động rất lớn đối với đời sống và nền văn hóa bản địa của cộng đồng người Thái đen. Bởi vậy, loại hình du lịch cộng đồng cần được tổ chức và quản lý một cách cẩn thận với một chính sách quản lý phù hợp, đòi hỏi sự hợp tác, đồng thuận của tất cả các bên có liên quan trong đó vai trò của cộng đồng là vô cùng quan trọng, tránh những tác động xấu không cần thiết đến cuộc sống của cộng đồng địa phương.

            – Tổ chức quy hoạch hợp lý: Vì loại hình du lịch cộng đồng là loại hình du lịch nhạy cảm với cuộc sống hiện tại và văn hóa truyền thống của người dân bản địa nên cần có sự nghiên cứu, cân nhắc, lựa chọn cẩn trọng những khu vực có thể phát triển du lịch cộng đồng. Trong quy hoạch nhất thiết phải có sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân địa phương và ý kiến của họ phải được tôn trọng. Chúng ta không nên và không cần thiết phải phát triển du lịch cộng đồng ở tất cả các bản. Làm được điều này chúng ta vừa hạn chế được những tác động của hoạt động du lịch tới cuộc sống và văn hóa của cộng đồng vừa bảo tồn được bản sắc địa phương. Chúng ta chỉ nên lựa chọn một bản đặc trưng, điển hình để đưa vào phát triển.

            Quy hoạch du lịch cộng đồng phải đặt trong quy hoạch du lịch tổng thể của cả tỉnh và cả vùng du lịch phía Bắc để từ đó, liên kết với các điểm du lịch khác trong tỉnh, trong vùng nhằm bổ sung tính phong phú, hấp dẫn cho điểm du lịch này.

 Nâng cao nhận thức cho cộng đồng: phải tuyên truyền cho cộng đồng gìn giữ và khôi phục đời sống văn hóa, nghệ thuật, phong tục tập quán, lễ hội, kiến trúc nhà ở, các nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình. Cộng đồng phải hiểu sâu sắc rằng những yếu tố này mới chính là những yếu tố thu hút khách du lịch đến với cộng đồng. Là những yếu tố cần được bảo về vì lợi ích lâu dài không chỉ cho phát triển du lịch mà còn vì các lợi ích văn hóa khác nữa. Nếu không lưu giữ và khôi phục lại thì không thể phát triển và phát triển một cách bền vững được.

– Nâng cao năng lực của cộng đồng trong các hoạt động du lịch. Đây  là vấn đề then chốt nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc và có chất lượng từ đó tạo ấn tượng tốt để thu hút khách du lịch, đồng thời từ đó kéo dài ngày lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách tại địa phương nhằm tối đa hóa doanh thu cho cộng đồng. Cụ thể nâng cao năng lực của cộng đồng bao gồm:

+ Nâng cao năng lực về tổ chức quản lý hoạt động du lịch cho cộng đồng.

+ Nâng cao các kỹ năng cung cấp các dịch vụ du lịch cơ bản như dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ hướng dẫn.

+ Nâng cao khả năng về tài chính để phát triển sản phẩm du lịch tại điểm đến.

– Phát triển nguồn nhân lực: dựa vào thực trạng và nhu cầu của hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng mà chúng ta đưa ra kế hoạch để đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ cho loại hình du lịch này. Để chương trình đào tạo thu được kết quả tốt thì phải có sự liên kết của nhiều tổ chức như sự kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, chính quyền địa phương, người dân địa phương và các tổ chức phi chính phủ, cơ sở đào tạo, công ty lữ hành… Nội dung của chương trình học nên bao gồm ba phần: một là kỹ năng cơ bản (giao tiếp, ứng xử,…); hai là nghiệp vụ chuyên ngành (nghiệp vụ buồng, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ hướng dẫn, nghiệp vụ đón tiếp khách, nghiệp vụ chế biến món ăn,…); ba là ngoại ngữ trong đó ưu tiên tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngoài ra, một phần không thể thiếu trong chương trình học, đó chính là việc giáo dục người dân ý thức bảo vệ môi trường và đặc biệt là văn hóa bản địa.

            – Khai thác kết hợp với bảo tồn tài nguyên du lịch: Vốn dĩ chưa có mặt của ngành kinh tế du lịch thì nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn của địa phương cũng đang dần bị xâm phạm bởi sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên nếu không có kế hoạch bảo vệ ngay từ bây giờ thì e rằng không còn kịp nữa. Một khi du lịch phát triển mạnh, số lượng khách du lịch tăng lên, trong khi không có kế hoạch bảo về tài nguyên sẽ để lại hậu quả khó lường. Để trách tình trạng này xảy ra cần phải thực hiện một số biện pháp sau:

+  Cấm chặt phá rừng bừa bãi, cấm săn bắt động thực vật quý hiếm. Thực hiện trồng rừng và quản lý rừng.

+ Bảo vệ nghiêm ngặt các nguồn nước, tránh xả rác và các chất thải sinh hoạt, sản xuất ra suối, ao, hồ.

+ Xem xét, nghiên cứu, thực thi và tôn trọng sức chứa của vùng và từ đó đưa ra kế hoạch đón khách phù hợp nhằm phát triển bền vững. Sức chưa tối đa nên là 2 khách/1 người dân.

+ Giáo dục khách du lịch và cộng đồng ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường. Chương trình tuyên truyền giáo dục phải được thực hiện liên tục, có hệ thống đến từng nhà, từng người.

+ Nghiên cứu, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã bị mai một như các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ,…

+ Phục dựng các ngôi nhà sản cổ của người Thái với vật liệu phù hợp với cảnh quan, môi trường.

+ Khôi phục lại các sinh hoạt văn nghệ truyền thống hàng ngày, các lời ca, điệu múa cổ của người Thái.

+ Sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống trong các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.

+ Giáo dục cộng đồng địa phương có ý thức xây dựng và giữ gìn nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái.

+ Giáo dục du khách tôn trọng văn hóa truyền thống của cộng đồng. Đặc biệt là khi khách có cơ hội cùng ăn – cùng ở – cùng sinh hoạt với người dân thì lại càng phải tôn trọng các giá trị văn hóa của cộng đồng.

Nếu như các giải pháp trên được thực hiện đồng bộ, chắc chắn rằng du lịch cộng đồng ở thị xã Nghĩa Lộ sẽ phát triển đem lại hiệu quả đa chiều, hoàn thành mục tiêu bản tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái đen nơi đây.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Đào Đình Bắc (dịch) (2005),Quy hoạch du lịch, Nxb ĐHQGHN.
  2. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch – Tổng cục du lịch (2012),Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  3. Bộ Văn hóa Thông tin – Vụ Dân tộc (2007),Bảo tồn lễ hội dân gian các dân tộc thiểu số thời kỳ đổi mới,Kỷ yếu hội thảo, Nxb Văn hóa Thông tin.
  4. Nguyễn Đình Chiến (2011),Thực trạng, bài học kinh nghiệm và một số giải pháp đẩy mạnh bảo tồn, phát triển văn hóa  góp phần phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh, Tuyển tập Hội thảo Văn hóa các dân tộc thiểu số góp phần phát triển du lịch cộng đồng, Lào Cai.
  5. Vũ Thị Hà (2014),Phát triển du lịch cộng đồng người Thái ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái,Luận văn thạc sỹ du lịch, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN.

6. Phạm Trung Lương (2010), Tài liệu giảng day về du lịch cộng đồng, Viện nghiên cứu phát triển du lịch – Tổng cục du lịch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *